Nhà máy giấy Lee & Man sở hữu nhiều ưu thế so với các nhà máy giấy khác trong nước. Thị trường giấy từ đây cũng trở nên sôi động và mang tính thúc đẩy cạnh tranh nhiều hơn.
Sự tham gia của doanh nghiệp FDI
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhưng tiềm năng XK giấy, đặc biệt là bột giấy hóa tẩy trắng và giấy bao bì vào thị trường Trung Quốc vẫn rất lớn. Công ty giấy Lee & Man là một trong các doanh nghiệp có lượng giấy xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam.
Những năm gần đây, các doanh nghiệp nước ngoài đã mạnh tay rót vốn đầu tư vào ngành công nghiệp giấy, điển hình như nhà máy giấy Hậu Giang Lee & Man. Cục Công nghiệp cho biết đầu tư FDI vào ngành giấy đã tăng rất nhanh trong hai năm 2017 – 2018 và hiện chiếm tới gần 50% sản lượng giấy các loại của Việt Nam. Dự kiến đến năm 2022, khi các dự án đã được cấp phép đi vào hoạt động, sản lượng của các DN FDI sẽ chiếm trên 60% sản lượng cả nước.
Sự xuất hiện của nhà máy Lee & Man làm tăng sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp nội địa vốn còn kém về mặt quy mô và công nghệ. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, giá bán sản phẩm giấy các loại có xu hướng tiếp tục giảm do cạnh tranh với các DN FDI và sản phẩm nhập khẩu từ Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trong số gần 300 nhà máy giấy Việt Nam chỉ có trên 10 DN sản xuất bao bì giấy cho ngành bánh kẹo; còn giấy bao bì cho hàng điện tử hoàn toàn do DN FDI đảm nhận. Do đó, để hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp nội, Bộ Công thương cần có khung chính sách, pháp lý hợp lý để thúc đẩy ngành giấy trong nước.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ NN&PTNT), cho biết ngành giấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu. Nhu cầu sử dụng bao bì giấy tăng cao tại các ngành điện thoại và linh phụ kiện, may mặc, giày dép, điện tử – điện lạnh, máy móc thiết bị, lâm nghiệp, thủy sản… Dự báo trong năm nay, tổng sản lượng giấy XK tăng 9%, sử dụng giấy nội địa gia công thành phẩm XK tăng mạnh, đặc biệt là giấy bao bì sẽ tăng trưởng 15 – 18%/năm trong 5 – 10 năm tới.
